Lê Văn Tuấn & Friends
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Calendar Calendar

Latest topics
» VÌ SAO EM LÀM THƠ TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:28 am

» NGÀY MAI EM LẤY CHỒNG TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:26 am

» EM KHÔNG LÀ SÂN GA TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:22 am

» BIẾT TỎ CÙNG AI TG: HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:17 am

» TÂM SỰ VỚI EM TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:12 am

» TÔI TÌM MUA NỬA VẦNG TRĂNG TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 8:02 am

» BAO GIO TRỜI XUỐNG LỆNH THA TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Tue Aug 09, 2011 7:51 am

» TÌNH CA CHO ANH TG : HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Thu Aug 04, 2011 10:05 pm

» NHÀ ANH - NHÀ EM
by vuhoangmai62 Sat Jun 25, 2011 9:39 pm

» TÔI YÊU NÀNG THƠ
by vuhoangmai62 Sat Jun 25, 2011 9:19 pm

» CHIM LẺ BẠN
by vuhoangmai62 Fri Jun 24, 2011 9:12 pm

» GIỌT SẦU NHỎ XUỐNG TIM TÔI
by vuhoangmai62 Sun Jun 12, 2011 6:27 pm

» VỖ VỀ NGƯỜI ẤY TRONG TÔI
by vuhoangmai62 Sat Jun 11, 2011 8:06 pm

» Thơ HOÀNG MAI
by vuhoangmai62 Fri Jun 10, 2011 9:13 pm

» TÔI ĐI TRONG CÕI VÔ THƯỜNG
by vuhoangmai62 Fri Jun 10, 2011 8:58 pm

» NHÀ ANH NHÀ EM . . .
by vuhoangmai62 Thu Jun 09, 2011 12:37 pm

» BÀI THƠ CUỐI CÙNG. . .
by vuhoangmai62 Thu Jun 09, 2011 11:43 am

» TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN . . . TG: ĐỖ TRUNG QUÂN
by vuhoangmai62 Wed Jun 08, 2011 7:59 pm

Tự điển
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search


NHỮNG CẢM NHẬN về THƠ LÊ TUẤN

Go down

NHỮNG CẢM NHẬN về THƠ LÊ TUẤN Empty NHỮNG CẢM NHẬN về THƠ LÊ TUẤN

Bài gửi  HongTran Sat Sep 18, 2010 3:36 am

ĐI TÌM HỒN THƠ NỞ

Trong sổ tay thơ,Chế Lan Viên từng viết: “Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”… Tôi nghĩ hay hoặc dở phải chăng thích hoặc không thích.Vì không thích thì không dịch được. Không thích thì không thấy hay.

Là người yêu thơ, ham thích đọc thơ, nên từ bao giờ rồi không nhớ, cứ mỗi lần được cầm trong tay một tờ báo, một tờ tạp chí, tôi thường tìm ngay mục trang thơ. Bài nào thấy thích thì tự thuộc ngay. Bài nào thấy hay, sợ quên, tôi trân trọng chép vào sổ tay cho riêng mình.Thỉnh thoảng giở ra, để đọc, để ngẫm ngợi vì sao mình thích và cũng rất thú vị mỗi khi trích dẫn.

Tôi nghĩ, những vần thơ hay như mật ngọt, có sức hấp dẫn, sức thôi miên và tự thân nó dễ khắc sâu vào trí nhớ những ai yêu mến nó-cho dù người đó làm nghề gì, ở quốc gia lãnh thổ nào cũng vậy. Khi thơ đã chiếm được cảm tình của số đông và sống mãi trong lòng những thế hệ yêu thơ- thì tên tuổi nhà thơ sẽ bất tử - cho dù tác giả của nó không còn sống trên đời.

Vâng, theo tôi mỗi bài thơ hay – là tùy thuộc vào mức độ hiểu biết và trình độ cảm nhận của từng người. Tôi không muốn nói thay ai, nói theo ai. Nếu thích bài này hay không thích bài kia đều xuất phát từ cảm thụ của riêng cá nhân mình.

Nhờ từng háo hức chép rất nhiều thơ của nhiều tác giả, nên tôi đã thuộc, đã nhớ khá nhiều những bài thơ, hoặc những đoạn, những câu thơ hay của họ. Tôi trộm nghĩ rằng người yêu thơ nếu có được sự giàu có trong tâm hồn, ấy chính là nhờ vào sự sáng tạo tài hoa của các nhà thơ và vẻ đẹp lấp lánh của những vần thơ hay đó.

Nhưng bỗng nhiên vài năm gần đây tôi sao nhãng dần việc chép thơ vào sổ tay. Cũng có thể vì giờ đây hiếm khi gặp được một bài thơ hay chăng? Cũng có thể vì tôi nhận thấy có những bài thơ của nhiều tác giả như bị trùng lắp, na ná giống nhau và cũng có cả không ít trường hợp tự chính tên tuổi đó tự lặp đi lặp lại hào quang quá khứ của chính mình chăng? Còn có thể vì tôi đã bắt đầu già, nên thành khó tính hơn chăng?
Lúc sinh thời, Phố Liễu Ngu (Trung Hoa) có nói:”Thơ phát sinh từ tấm lòng, bàn tay thì viết ra. Nhưng lấy tấm lòng điều khiển bàn tay thì hay, lấy bàn tay thay thế tấm lòng thì không được. Ngày nay người ta làm thơ đông dồn tây dập, tả vẽ hữu vời, từ trong đống giấy mà ra, không phải từ tính tình tuôn chảy. Đó tức là lấy bàn tay thay cho tấm lòng vậy”.

Lập luận trên là có lý.

Tình cờ tôi có trong tay cuốn BÀI CA CHIM CẮT -quyển thơ thứ 5 của Lê Tuấn. Thú thực tôi đã xem nó với thái độ bình thường, không có gì đặc biệt lắm. Tuy nhiên, tôi có xen một chút tò mò vì ngay trên bìa quyển thơ này có in tên 7 quyển thơ khác đã xuất bản, tất cả đều do Lê Tuấn viết: Chảy trong mạch đất, Mùa hoa bưởi nở trên sa mạc,Giấu hoa mộc miên nở trong tim, Sương mai còn ướt trên mặt sóng, Mật mã trường sinh, Hòa bình trên đỉnh văn minh, Ân tình non nước). Cũng chính vì sự tò mò ấy mà tôi đã sưu tập cho đủ cả 8 quyển thơ của tác giả.

Tôi bỗng nhớ đến “Cổ học tinh hoa” và câu nói của Tuân Tử:” Có người mất kim, tìm mãi không được, bỗng nhiên tìm thấy đâu phải vì mắt sáng tỏ thêm mà chợt vì nhìn thấy được”. Thơ Đường còn có câu:”Cả ngày tìm chẳng thấy, có lúc tự trở về”. Từ đó suy ra có lúc chợt nhìn mà được là như vậy.

Và thật bất ngờ, bất chợt tôi đã ngộ ra điều gì đấy khi xem- đọc đủ 8 tập thơ Lê Tuấn. Tự dưng tôi đã nhìn thấy và nghe thấy cái gì đó lạ lắm! Và…tôi đã bị ám ảnh.

Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng hiệu quả thị giác của con người luôn đóng vai trò chủ đạo khi tác dụng của mắt (thị giác) chiếm đến 80%, trong khi các giác quan khác chỉ chiếm có 20%.

Nhưng khi nhắm mắt thì sao? Trên thực tế, khi nhắm mắt để tập trung suy nghĩ vào một điều gì đó - người ta có thể tạo ra trong mình hàng loạt chuỗi hình ảnh và chuyển động với đầy đủ hương vị hấp dẫn như bộ phim thú vị. Đến cả khi ngủ mơ, con người cũng vẫn luôn tắm mình trong thế giới hình ảnh. Đó là mênh mông đan xen giữa những hình ảnh đã từng trải qua, lẫn cả những hình ảnh, nơi chốn, sự kiện chưa từng được gặp bao giờ. Tôi nghĩ những hình ảnh thu lượm được khi nhắm mắt (mà ta vẫn chưa ngủ) mới chính là con mắt thứ ba giúp ta mở được cánh cửa thâm nhập vào nội giới con người khi tiếp cận với nghệ thuật. Điều này rất quan trọng.
Từ lẽ đó, nếu chỉ xem thơ Lê Tuấn bằng mắt- thì thật khó mà nói được đầy đủ điều gì, thậm chí còn “hổng dzô” nữa là khác.

Và hình như chính Lê Tuấn đã hiểu điều ấy hơn ai. Chính tác giả cũng băn khoăn và tự đề ra một quy ước khi thấy rằng muốn cảm thụ để hiểu được thơ Lê Tuấn- người yêu thơ cần tìm cách nhận biết bằng cả hiệu quả của thanh âm và sự liên tưởng tạo hình.
Xin em hãy đọc thơ- chớ xem thơ
Và phải đọc như chính hồn thơ đang nói
Nếu buộc phải xem thơ- cùng lắm
Thì xin em hãy
Xem như máu chảy trong tim
(Thơ đọc - quyển 5, tr.12)

Băn khoăn như thế, nhưng tác giả lại nêu một thực tế gần như chân lý nhưng cũng ngầm thách thức:
Có người sống bên nhau cả đời
không hiểu được
Có người mới lần đầu gặp gỡ
đã tâm giao
Thơ cũng vậy
đừng tưởng đọc nhiều ra
hiểu rộng
Dù đọc đến ngàn lần
Không hiểu vẫn là không
(Ngấm thơ – quyển 2, tr.74)

Bởi chính Lê Tuấn cũng đã nhận diện ra sự khác nhau giữa những “đối tượng” đọc thơ nói chung và đọc thơ mình nói riêng:
Người đọc thơ ngay từ sáng sớm tinh mơ
Không thể giống
kẻ đọc giữa hoàng hôn
sương muối
Người đọc giữa buổi trưa hè đổ lửa
Không thể như kẻ đọc trong đêm tối mưa rơi
Người vội vã đọc khác kẻ thảnh thơi
Người đã ăn no rồi
đọc khác người đang đói
(Khác lắm em ơi!- quyển 8, tr.51)
Như vậy, khi vừa xem- vừa đọc thơ, nghĩa là cách cảm thụ đồng thời vừa bằng thị giác (mắt), vừa bằng thính giác (tai). Phải chăng nhờ thế ta sẽ thấy được hiệu quả khác của thơ- nó dễ thấm và cuốn hút hơn, nhất là khi được thưởng thức thơ bằng cách nghe các nghệ sĩ diễn ngâm, hay do chính tác giả trình bày.

Rõ ràng tác giả tán thành cách đọc thơ như thế. Và chính trong bài thơ “Gửi em”- quyển 3, tr.32 tác giả đã thừa nhận
Ngoài loại thơ chữ viết
Còn có thơ âm thanh
Ngoài loại thơ sống nhờ sắp chữ gieo vần
Còn có thơ- bức tranh- hội họa
Nếu ai đó không thể hóa thân vào âm nhạc
Thì làm sao nhận ra nó trong thơ
(Gửi em- quyển 3, tr.32)

Xem thơ– rồi nhắm mắt lại - rồi đọc lên thành tiếng -ta sẽ nhận được từ thơ hàng loạt những hình ảnh bằng sự liên tưởng được tạo bởi từ chính những thanh âm vừa có. Cách cảm thụ này khiến người đọc như tự biến thành người trình bày biểu diễn - và khiến bỗng dưng những câu thơ hay như bắt đầu một đời sống mới ngay trong lòng người đọc, có khi khác hẳn với chính đời sống nguyên bản của nó -từ tác giả. Đó chính là tầng cao của tư duy - là nhận thức bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán, suy lý. Cùng với văn bản thơ, việc kết hợp cùng lúc xem- đọc- nghe trở thành quy tắc riêng khi muốn tìm hiểu thơ Lê Tuấn.

Với cách đọc như thế ta thấy những gì từ thơ Lê Tuấn?

Trong thơ Lê Tuấn có sự hòa hợp hoặc tương khắc của âm - dương qua hiện hữu của bầu trời- đại dương và mặt đất với những dung chứa tạo vật luôn biến đổi đến khôn cùng.
Thế giới này
tuy văn minh lồng lộng
Nhưng cũng phải nhìn qua biển rộng mới thấy được chân trời
Đường chân trời
Đó là nơi tình thương trong ta trĩu nặng
Kéo cả bầu trời
Nghiêng hẳn xuống đại dương
(Đường chân trời- quyển 8, tr.48)
Trong thơ Lê Tuấn có sự soi chiếu của những triết lý phương đông về đạo và đời. Học thuyết phương Đông về Thiên- Địa- Nhân, được Lê Tuấn bổ sung thêm Thủy, vì theo nhà thơ hành tinh của chúng ta chiếm ¾ là nước.

Trong thơ Lê Tuấn cái triết lý cái tư tưởng thiên- thủy- địa- nhân ấy lại như được quyện hòa với những cặp phạm trù trong triết học phương tây: cái chung - cái riêng và cái đơn nhất; ngẫu nhiên và tất nhiên; nguyên nhân và kết quả; bản chất và hiện tượng; khả năng và hiện thực; nội dung và hình thức. Có lẽ vì thế mà người ta thấy ở nhiều bài thơ của tác giả, khẩu khí trình bày như: vừa tây- vừa ta; vừa mực thước cổ điển lại vừa trừu tượng, khái quát; vừa lãng mạn, trữ tình lại vừa triết lý, luận giải; vừa dân tộc- lại vừa mới.
Giữa đất và trời
Là một khoảng không đựng đầy cái”có”
Tầng tầng lớp lớp
Mênh mông cuốn lấy mênh mông
(Thần Tiên và Mây dạ hội- quyển 7, tr.84)
Hay như:
Không phải là vô cớ
Mây bay lúc này – mà không bay lúc khác
Mưa rơi ở nơi này mà nắng lại ở nơi kia…
(Không phải là vô cớ- quyển 6, tr.39)

Trong thơ Lê Tuấn có ngày, có đêm, có mưa, có nắng trong cả sự tương phản đối nghịch giữa cái khô – cái ướt; giữa cái cao - cái thấp; giữa cái dài - cái ngắn; giữa cái rộng lớn - cái nhỏ hẹp; giữa cái đen- cái trắng; giữa cái thiện - cái ác… có từng nhành cây, ngọn cỏ, của chim, của cá, của cả bầu trời lẫn gió, lẫn mây…Phải chăng đó là những triết lý đậm đặc tính nhân sinh mang hơi hướng triết học phương Tây? Phải chăng đó là chất thiền phương Đông quyện hòa trong cách nghĩ, cách suy như chính sự “biện chứng tâm hồn”?
Mặt trời lên
Chiếu sáng muôn nơi
Mặt trời lên
Soi sáng muôn loài
Mà vì sao
Vẫn có một khoảng trời
Tối
Đâu đó quanh ta

Vẫn có một khoảng trời
tối
trong mắt
em tôi
(Có một khoảng trời tối trong mắt em, - quyển 7, tr.116- tr.117)

Trong thơ của Lê Tuấn có lúc người ta như nghe thấy tiếng sáo diều no gió, tiếng nước chảy thánh thót, tiếng giọt sương ướt mềm trên lá cỏ; song có lúc người ta lại phải thấy những cằn cỗi, khô khát của sa mạc, của những cánh đồng hoang tàn cỏ úa, của chết chóc vì đố kỵ, thù hằn.Nhưng cao hơn cả, vẫn là tình yêu, với cõi nhân sinh.

Tôi nghĩ Lê Tuấn đã tiếp thu có chọn lọc “khẩu khí” triết lý phương “Tây” tương tự như: Khi anh ném hòn sỏi lên trời/ Sỏi nói tôi sẽ rơi trở xuống/Và khi anh đầm mình vào vũng nước sâu/Nước nói tôi sẽ làm cho anh ướt/Thì anh hãy tin là nước kia nói thật…trong cách cấu tứ, gieo vần. Trong thơ của Lê Tuấn có lúc người ta như thấy được những vách núi dựng cheo leo trong cuộc chinh phục đỉnh cao đầy khát vọng. Thấy được sự kiêu hãnh, tự hào của cái dương thịnh trong những phép thử cần thiết
Anh hãy thét đi
Có tiếng vang vọng ra từ vách núi
Là đâu đó núi đã ở gần
Anh hãy ném hòn đá xuống dòng sông
Có tiếng vọng lên
là dòng sông cạn
Anh hãy thử đi- anh bạn
Nếu yêu anh
Họ sẽ không thể là một dòng sông cạn
Hay chỉ là một vách đá
nhại theo anh
(Tiếng vọng, quyển 7, tr.18)

Nhưng dù có những năm tháng học bên Tây, tiếp thu kiến thức hiện đại thì Lê Tuấn vẫn là “sản phẩm” của phương Đông, của vùng quê nghèo:
Đất Bắc cho tôi thưở thiếu thời
Cho tôi cắt giấy thả diều chơi
Cho tôi nghịch nắng trên đồng cỏ
Cho cả mưa rào thấm máu tôi
(Tình đất- quyển 1, tr.23)
Nhìn lá cờ đang bay, ai mà chẳng nghĩ là nhờ gió mới có cảnh ấy? Nhưng triết lý lật ngược cho ta suy luận: Nhờ cờ bay ta mới thấy được gió. Tư tưởng triết học phương Đông lại cho rằng vì tâm động mà ta mời thấy cả chuyển động của gió và lá cờ bay trong gió.

Lê Tuấn đã thấm nhuần triết lý ấy, song cái hay là tác giả chỉ gợi mở, không kết luận mà để tự người đọc tự suy diễn.

Ngôn ngữ trong một số bài thơ của Lê Tuấn như là hệ thống các ký hiệu thị giác, tượng hình và sóng âm thanh, xuất hiện trong văn bản không phải một cách tự nhiên mà kết hợp với một ý nghĩa.
Thế mới biết vì sao Trời long Đất lở
Đó là lúc
Đời trở dạ để sinh con
(Mầm sinh – quyển 6, tr.7)

Tiền duyên là âm. Hậu duyên cũng là âm. Âm thịnh dương suy. Âm bao bọc vô hạn, trong khi dương hữu hạn ngắn ngủi. Biết vậy, nhiều lúc Lê Tuấn cũng muốn hòa vào đám đông để không bị khác người- nhưng rồi lại muồn trốn chạy khỏi đám đông ồn ào, xô bồ, trốn khỏi cái thường nhật đầy mặn muội:
Người ta bảo Quán ngon là quán đông người
Tôi cũng tìm vào một quán đông như thế
Ở đó người ta đang lộn bậy đánh nhau
Tôi vội vã trở ra
Nhưng máu ma đã dính đầy lưng áo
(Ngon- quyển 2, tr.67)

Vì sự trải nghiệm ấy, Lê Tuấn càng cố giấu kín những thầm kín khiêm nhường vào bóng tối, nhưng tự nó lại bộc lộ thể hiện ra như sự phát sáng của đom đóm. Lê Tuấn lại cầm bút- viết để nói hộ- viết theo sự mách bảo tối cao- đó chính là sự dẫn dắt của những quy luật muôn đời
Muốn giữ mùa Thu lại
Nhưng Thu đã trôi qua
Không thích mùa Đông đến
Đông đến tự bao giờ
(Bốn mùa – quyển 2, tr 66)

Có những bài thơ của Lê Tuấn như là “truyện kể bằng hình ảnh động”- như phim truyện. Tác giả biết sáp nhập những thông điệp bằng miệng, những thông điệp bằng nhạc, tăng cường những mối quan hệ siêu -văn bản, gắn nối vào thi tứ, vần điệu của thơ mình những kết cấu ý nghĩa. Nhiều bài thơ Lê Tuấn- tựa như những bộ phim truyện- hợp thành từ mã (code) các yếu tố cấu thành: mã cốt truyện, mã hình ảnh, mã âm thanh, mã lời thoại nhân vật... Các cốt truyện trong:”Lễ rửa tội”, “Máu ma”, “Danh ma”( quyển 4- tr.62, tr.80, tr.85), “Cây đèn đom đóm” (quyển 6, tr.16), “ Rắn Thần” (quyển 6, tr.30-tr.33), “ Mật mã trường sinh” (quyển 6, tr.34), “Dòng máu hồi sinh” (quyển 6, tr.72); Như giấc mộng về ba anh em bắn mặt trời trong “Ba anh em”, “ Chuyện người già”, “ Hối hận”, “Là tôi”, “Trở về”, “Đường băng thơ ấu” (quyển 6, tr.98); “ Thấm đẫm thiên đàng- (quyển 7, tr.118)… đã như là truyện phim, và cùng đồng thời dung nạp cùng một lúc cả ba kiểu kể chuyện: tượng hình (do người đọc tự liên tưởng), bằng miệng (do người xem thơ tự đọc lên thành tiếng hoặc nghe tác giả hay nghệ sĩ diễn ngâm) và bằng nhạc (nhờ tiếng đệm của các nhạc cụ, trang âm…).
Giữa những nỗi buồn ứ đọng
Giữa ngày tàn
Đêm khuyết
Gió sương

Những ngón tay
nức nở…bàn tay
Níu kéo thời gian
Chân đạp vào hoàng hôn giữ mặt trời
ở lại…

Gió ngập tràn nước mắt -hú từng cơn
Từng vách đá khóc than
đập đầu vào vách đá
Những hồn mây xơ xác lá
Giữa đêm đen lạnh lẽo khóc du di

Trời vần vũ qua hàng ngàn năm vần vũ
Mây vẫn bay và gió thổi nhiều hơn
Có hàng vạn ngôi sao đã mờ đi lúc nào không rõ
Và hỗn mang đời đã đến ngay lúc đó
(Trên vách đá- quyển 4, tr.48)

Thế rồi, những lớp ký hiệu này hình thành một kết cấu phức tạp bằng mối quan hệ qua lại giữa chúng để tạo ra hiệu quả ý nghĩa và được tác giả tổ chức lại thành một hệ thống ngôn ngữ biểu đạt tác động vào những ai có năng lực cảm thụ “thứ thiệt” thông qua cả: thị giác (mắt) lẫn thính giác (tai), đến tâm hồn (tim) và tới cả khả năng cảm nhận đoán định trước các yếu tố xảy ra với mình bằng tâm linh nhạy cảm - thông qua sự liên tưởng vô hạn giữa cái gần với cái xa; giữa cái hữu hình và cái vô hình; giữa cái ảo và cái thực; giữa cái cụ thể và cái trừu tượng...
Ai đó đi tìm thơ
tự hỏi
Thơ ở đâu, hồn thơ nở ở đâu
Tôi tự biết không dễ gì đi tìm hồn thơ nở
Khi hồn người dấu cả ở trong thơ

Trời hé mở ở những nơi tận cùng sáng tạo
Như trái đất vẫn quay cuồng trong gió bão
Để cho đời sinh
nở một hồn thơ
(Hồn thơ nở - quyển 1, tr.31)

Tính phức tạp của những hệ thống ký hiệu, những việc chuyển văn bản thành những mã hoá phức tạp và hiện tượng đa nghĩa làm cho thơ như một cơ thể sống.
Về hình hài tương tác
Kẻ gian ác cũng vượt trội người lành
Khi người lành có một
Thì kẻ ác lại được hai
Như thế
Tưởng tất cả sẽ chết liền vì ác
Đâu có dễ- điều đó không bao giờ có thể
Bởi đạo càn khôn biến đổi
thiếu hơn thừa
(Càn khôn- quyển 74 )
Khả năng của văn bản nghệ thuật hấp thụ ký hiệu học của những mối tương quan cuộc sống hàng ngày- gắn mật thiết với cái bao trùm và diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài. Vần điệu trong một số bài thơ của Lê Tuấn không những mang lại thông tin mà còn tự thân nó dẫn dắt cách khai thác thông tin.
Khi người ta thích thú tính ở người
Và nhận ra tính người ở thú
Thì em ơi…
Đó là lúc Tạo hóa cũng sai lầm
Đời không khổ khi người ta bảo khổ
Đất đau buồn đất vẫn bị dẫm lên
Gió thét gào nhưng không ai bắt chúng
Lại đi tìm con cá giữa dòng sông…
(Có những lúc tạo hóa cũng sai lầm- quyển 1, tr.38)

Ở đây, nếu được phép của tác giả, tôi muốn sửa chữ “đất đau buồn” thành chữ “đất nuôi người”, vì thiết nghĩ đất như một người mẹ nhân hậu, suốt đời nhọc nhằn, chịu đựng hy sinh cho đời đơm hoa, kết trái, thế mà… vẫn bị ô nhiễm, dày xéo, cày, bừa, san, ủi… Thế mà, khi con người (cả thiện lẫn ác) chết đi, đất lại chẳng hề phân biệt đối xử- vẫn bao dung mở lòng ôm những thân xác ấy vào mình.

Tại sao tôi tin rằng tác giả sẽ đồng ý với tôi – khi tôi làm điều này? Vì chính tác giả đã từng viết về “Trái đất vĩ đại” trong quyển 5, tr.16:
Còng lưng ra mà cõng cả tỷ thằng ăn hại

Nhưng còng lưng mà cõng hết cả muôn đời nhân loại
Cả loài ăn hại
lẫn loài không

Vĩ đại như thế
Duy nhất chí có thể là
Trái đất mà thôi
(Trái đất vĩ đại- quyển 5, tr.16)

Hình ảnh trong một số bài thơ Lê Tuấn là một “hiện thực nghệ thuật”, không phải là bản sao hiện thực. Đó là sự sáng tạo, tái tạo hiện thực chứ không phải chỉ đơn thuần mô tả hiện thực nhìn thấy.
Một cánh chim bay, cũng làm
nghiêng cây
cổ thụ
Giọt nước mắt buồn
Làm xơ xác
cả
Mùa thu
( Cánh chim xa, quyển 8, tr21)

Những hình ảnh ấy không chỉ có những ý nghĩ trực tiếp mà còn cả ý nghĩa bổ sung, giấu kín, tượng trưng… trở nên biểu đạt hiện thực sâu sắc hơn nhiều. Có lúc Lê Tuấn trọng về “tu từ”, đặc biệt “ẩn dụ, tượng trưng” (gần với văn viết).
Có ai đó triền miên không ngủ được
Không phải vì công việc chẳng vào đâu
Cũng chẳng phải là
lòng đang lo lắng
Mà bởi vì
một tình yêu nín lặng
Đợi đêm về
mới òa khóc
để vơi đi
(Đợi đêm về - quyển 8, tr55).
Hay:
Tôi không khổ nhưng tôi viết cho những người
đang lầm lũi
Ngồi ở nhà
tôi lại viết
cho những kẻ đi xa
Ai đó có ăn,
Còn tôi viết cho những người đang đói lả
Và dù tôi
không phải người nhà ai cả
sao ngòi bút này
lại bật khóc
với nhân gian
(Tôi viết – quyển 8 tr.27)

Có thể hiểu cảm giác và năng lực nhận thức về cái đẹp bằng tạo hình thông qua hệ thống ký hiệu tượng hình và lời nói trong việc trình bày; được kết hợp nhuần nhuyễn từ nội dung đến hình thức thể hiện thông qua hiệu quả thị giác có được từ sự liên tưởng và hiệu quả thính giác từ âm nhạc, lời diễn ngâm mang lại. Năng lực thu nhận trên giúp ta nhận thức về cái đẹp bằng tạo hình thông qua những biểu hiện của màu sắc, đường nét, hình khối, cấu tứ, nhịp điệu…vv…của người sáng tạo.

Có lúc, Lê Tuấn lại trọng về tả thực (gần với văn nói), để biểu hiện một triết lý cụ thể nhằm thể hiện sự khiêm nhường đến mức hạ thấp bản thân, để trân trọng đề cao hơn những “đối tượng” được yêu đó là “nhân”(con người) và thiên nhiên với: “thủy” (nước đong kết từ giọt sương) và “mộc” (cây và lá) đều cùng được “thổ” (đất mẹ) dưỡng nuôi:
Vâng đúng là
Em đã thấy
Một giọt sương thức dậy
Chúc cho em một buổi sáng tốt lành
Nhưng thưa em
Nó long lanh
không phải vì màu xanh của lá
Mà là vì mặt trời soi rọi nó
Em ơi
Anh cũng muốn làm một giọt sương mai thức dậy
Nhưng xin em đừng nhìn anh như vậy
Bởi chẳng có tia nắng nào
Soi rọi đến anh đâu
(Giọt sương thức dậy- quyển 8, tr.16)

Song, dù triết lý có ẩn ý cao siêu đến mấy, nhưng trong thơ Lê Tuấn chất trữ tình lãng mạn vẫn không bị thiếu đi:
Nếu yêu em
Xin đừng yêu nhiều như thế
Giọt sương dẫu mong manh
Cũng chỉ là mỏng mảnh trên cành
Xin hãy yêu em như bình minh buổi sớm
Chứ đừng lấy cả Mặt trời
đầy đỏ lửa
để yêu em
( Nếu yêu em, quyển 7, tr.25)

Hay:
Em như hạt cát không màu ướt nhợt
Còn anh như con sứa thủy tinh trong suốt giữa biển khơi
Em chẳng thể thấy anh
Giữa biển Trời xanh biếc
Anh cũng chẳng thế thấy em
Dạt dào tha thiết trên bãi cát ven bờ
Nếu em ra tìm anh
Em sẽ chìm xuống dưới đáy
Đại dương sâu thẳm
Nếu lên bờ
Anh chỉ còn là xác chết nằm lạc giữa mênh mông
Thôi thì hãy cho nhau lời hẹn ước
Rồi thả vào cho sóng nước đưa đi
(Lời hẹn ước- quyển 6-tr.81)
Bên cạnh sự bất lực, đớn hèn, mềm lòng, yếu đuối…tận sâu trong tâm hồn con người luôn là niềm an ủi, bằng lòng với chính những gì mình có:
Có hàng triệu người chới với chơi vơi
Mưa giăng không nơi trú
Đêm về không chỗ ngủ
Đem cả tình đời
không đủ đắp cho con
Có thể đêm nay
Thương cha con không khóc
Nhưng lòng cha lạnh buốt
bởi ươn hèn
Giữa bùn đen và mãnh thú
Đi lên rừng hay lội xuống con ơi
Nhưng thôi, đó chỉ là những phút giây mềm lòng yếu đuối
Giữa dòng đời chao đảo nắng mưa
Nhưng sức mạnh của cha không chỉ là một cuộc đời đau khổ
Mà là con-
một chú bé phi thường
Nhỏ ăn đất nằm sương
Nhưng đã mang trong mình một
tình thương vĩ đại
Dành cả cho đời
và nhân loại khổ đau
(Mật mã trường sinh- quyển 6, tr.36- tr.38)

Và vượt lên thù hận để tha thứ, tìm về sự thanh thản mà không còn oán hận gì nữa, dù cho có lúc đã từng đau đáu tính đến sự trả thù. Sự Ân-Oán thường tình ấy là đời. Nhưng cái đạo lại làm cho con người biết bao dung. Sự nhân ái khi nhìn thấy kẻ thù đang hoạn nạn, thất thế đã làm cho người quân tử dừng tay lại. Trái tim đa cảm đã làm nên một cách hành xử hiếm có vì niềm tin bất diệt vào luật nhân- quả ở khắp nơi nơi, như trời kia có mắt.
Ta bình sinh- ngay cả khi bắt được kẻ thù truyền kiếp
Cũng không thể ngồi
Mà nhìn thấy nó đau
(Điều ta không hiểu nổi- quyển7, tr.104)
Hay:
Và ta cũng chẳng giết ai
Ngay cả khi ta có thể
Bởi kẻ thù của ta-Tạo hóa đã an bài
(Tạo hóa đã an bài- quyển 7, tr.105)
Nhưng chính đạo luôn làm cho mỗi con người biết giữ “ trung”, “hiếu”, “lễ”, “tín”… và căm ghét sự phản bội, sự lừa dối xảo trá. Trong mọi sự sụp đổ, Lê Tuấn luôn sợ nhất khi tình bạn tan vỡ. Bởi chất “ông đồ” luôn nhận biết tình người đối với nhau đã hiếm hoi rồi thì tình bạn lại càng quý hiếm hơn. Tác giả luôn thấm thía: “Lời chân thành nhiều khi là sỏi đá/ Nói ra rồi, e sợ rách lòng nhau”. Biết “từ bi hỷ xả” để tha thứ cho nhau, nhưng đến khi sự dối lừa không còn thuốc chữa - ấy là lúc con người không thành thật ngay cả với chính mình-thì tốt nhất không nên gần nhau nữa:
Anh dối tôi, tôi tha thứ được
Anh dối anh là những bước cuối cùng
Anh lừa tôi, tôi còn tha thứ
Nhưng anh lừa anh
là lời nói chia tay
Ta tạm biệt
Chỉ hôm nay
Nhưng mất nhau vĩnh viễn
(Lừa dối- quyển 3, tr. 42)

Tâm hồn là ý nghĩ và tình cảm tạo nên đời sống nội tâm trong mỗi con người và Linh hồn là phần hồn thiêng của người đã khuất.Thế giới tâm-linh thiêng liêng và kỳ bí đã luôn thôi thúc Lê Tuấn dành khá nhiều thời gian để suy tư, chiêm nghiệm và bộc lộ tiềm năng con người trong đối thoại.
Với loài người, nhịp đập con tim là hiện thân cho sự sống. Tuy nhiên, theo Lê Tuấn muốn có được tâm hồn đúng nghĩa- đúng chất người - phải có trái tim không chỉ biết đập cho riêng mình tồn tại, mà là biết xẻ chia -tạo nên nhịp đập vì người khác.
Trái tim lớn đập vì nhân loại
Loại nhỏ hơn đập mãi để cho người
Loại thứ ba
là tim cơ học
(Tim- quyển 4, tr.17)

Và khi “Hồn tự nhiên” có sự gắn kết tương thích với tình cảm con người, đạt được độ chín trong một chỉnh thể thống nhất sẽ làm cho thế giới vật chất tự nhiên càng có thêm ý nghĩa nhân văn:
Hoa có hồn mới lúc tươi lúc héo
Hồn có hoa mới lúc tỉnh lúc say
Sông có hồn mới cho người in bóng
Nước có hồn mời đọng lại trên mi
(Hồn tự nhiên – quyển 4, tr.10)
Đó chính là sự hòa hợp êm ấm của linh hồn và thân xác!
Mở rộng hơn khái niệm về linh hồn và hình hài thân xác từ thiên nhiên vạn vật với nhau và với con người, tác giả khẳng định sự tươi tắn hay úa héo của hoa là nhờ có sự hiện hữu của hồn. Lê Tuấn đã làm nổi bật lên ý nghĩa song trùng khi khẳng định chính hồn cũng cần có hoa biết bao nhiêu. Do vậy, suy cho cùng, nhờ có định dạng thân xác, hình hài của hoa, hồn mới có nơi trú ngụ và quá đỗi hạnh phúc khi được tỉnh, được say trong giới hạn bao bọc ấy. Cũng tương tự thế, dòng sông với Lê Tuấn như một cơ thể sống, khi có hồn người ẩn chứa bên trong và có thể lưu giữ - phản chiếu hình hài của con người soi bong trong đó. Với sự thống nhất hài hòa giữa thân xác và linh hồn mới làm cho những hạt nước – có thể là sương trời, hoặc nước sông hay giọt lệ tràn ra từ khóe mắt- khi có hồn mới “đọng lại trên mi”.

Khi vạn vật có hồn- đều trở thành cơ thể sống. Mà đã là cơ thể sống thì máu nóng chảy trong người có khác chi dòng nhựa chảy trong cây?

Lê Tuấn đã thể hiện quan niệm của mình trong “Sắc nắng” – quyển 4, tr.9:
Nắng xuyên vào tôi
Rơi ngập tràn trong máu
Phía bên ngoài
Cả sắc nắng cũng
có màu đỏ máu
Khi nắng lên
Là máu rỏ…
ở bên trong

Bắt chước người phổ nhạc, xin lỗi nhà thơ, tôi mạo muội thêm chữ cả và chữ cùng để tạo âm vần khi đọc cho dễ nhớ mà thôi.

Lê Tuấn luôn biết ơn thiên nhiên bởi từ lâu anh đã coi vạn vật như người: “ Cuộc sống cô đơn dạy cho tôi tự lập/ Ở giữa rừng già làm cho tôi hòa quyện với thiên nhiên” (Bài ca chim cắt- quyển 5, tr. 46).Vậy là theo Lê Tuấn, muôn loài vạn vật đều có máu, có tim, có linh hồn và cất lên tiếng nói.Thế thì chẳng nên dù vô tình nỡ làm đau một chiếc lá trên cành? Khi cư xử với xung quanh thế nào thì theo luật nhân- quả, sẽ được đối đáp lại như thế:
Chiều qua,
Anh ta đấm đến sưng mặt hòn đá
Nó ngã vật ra
Rồi cứng đơ như đá
Sờ vào thân lạnh giá
Thấy chảy máu ra tay
Này, anh kia
đừng sợ
Hòn đá nói vọng ra:
Xưa ta cũng như anh
Đời đấm cho thành đá
Anh đã thấy rồi nhá
Máu
vẫn
chảy trong ta
( Hòn đá- quyển 4, tr.19)

Câu chuyện ngụ ngôn trên thật nhiều ý nghĩa. Chỉ có tự mình- tự mỗi người mới có thể thấm thía rút ra cho riêng mình bài học về cuộc đời. Vì theo Lê Tuấn rất nhiều điều ngày đêm diễn ra đều “Khó thấy” vì khi:
Người ta kết án
Kẻ phá tan cái đẹp
Nhưng tội làm đẹp cho cái xấu
Lại chẳng ai hay
(Khó thấy- quyển 5, tr.81)
Từ thời cổ đại, tư tưởng triết học phương Đông đã xác định rõ quan hệ giữa con người với với muôn loài vạn vật trong thiên nhiên là mối gắn kết được tưới tắm trong sự sống có linh hồn. Linh hồn trú ngụ trong mỗi hình hài thể xác như một sự thống nhất hoàn chỉnh của tạo hóa. Nếu hồn tách khỏi xác – cái chết liền ập tới. Cái chết sẽ làm cho thân xác bị tận diệt, thối rữa. Vì thế giữa hồn và xác luôn luôn giằng co mâu thuẫn nhau vì những mục đích khác nhau. Bởi vì lúc nào và bao giờ hồn cũng muốn bay bổng, cũng luôn muốn khao khát vươn tới bến bờ của sự tự do thậm chí muốn bứt ra, muốn thoát ra khỏi sự định hình của thân xác. Do thế, hồn nổi loạn, phá phách hành hạ thân xác bằng vô số những chán nản, buồn phiền. Trong khi ấy xác lại khư khư luôn muốn giam hãm hồn mãi mãi trong khuôn khổ phạm vi hình hài đã có của mình. Sự mâu thuẫn giữa hồn và xác - làm cho loài người già đi và tất nhiên tới hiệp đấu cuối cùng thì xác cũng chịu thua khi không thể nào níu giữ nổi sự thoát xác của linh hồn. Thế rồi cuối cùng dù muốn hay không, hồn cũng được giải thoát, bắt đầu những ngày tháng phiêu du vào cõi âm vĩnh hằng. Nhưng, giọt máu hồi sinh lại tạo dựng nên những hình hài non nớt và réo gọi linh hồn về đầu thai. Cứ như thế, muôn vạn sinh linh- lại bắt đầu sự sống với linh hồn và thân xác, lại tiếp diễn những giam cầm- nổi loạn; những khao khát tự do trong hỗn mang thật- giả- hỷ- nộ- hoan- lạc- ái- ố:
Những kẻ ăn tục nói láo- là giống cáo đầu thai
Những người nghe lỏm vểnh tai, là kiếp dơi ngày trước
(Kiếp trước- quyển 5, tr.17)

Thấm thía sâu sắc tư tưởng ấy, Lê Tuấn đã viết “những hỗn mang đời” vào “ Trên vách đá” kể về tình phụ-tử của cha con vượn đen -tổ tiên loài người – (quyển 4, tr.48):
Đó là lúc hồn không có xác
Cũng là một thời
xác sống chẳng có hồn

Và dù xa cách âm- dương, linh hồn vượn cha vẫn sống mãi vì con mình:
…Ơi con nhỏ- con đừng đau buồn
như thế nữa
Hồn của cha muôn thưở vẫn bên con
Vẫn yêu- vẫn gọi- vẫn còn
Vẫn ru con ngủ như ngày nào…bé bỏng
(Trên vách đá - quyển 4, tr.48)

Và thơ Lê Tuấn không sa đà vào bi quan:

Trời vẫn thế qua hàng ngàn năm vẫn thế
Nhưng đêm nay đen kịt một khoảng không
Giữa khối đen kia bỗng thắp sáng một vì sao
(Trên vách đá- quyển 4, tr.48)

Ai cũng muốn chinh phục đỉnh cao và tự hào khi mình vươn tới đỉnh. Nhưng “người không thua” – chưa chắc đã là người chiến bại, nhưng có thể khác xa người hiếu thắng ở chỗ họ luôn tự biết mình và luôn gắng hiểu “mệnh trời”. Đó chính là vô vi. Bởi khi người hùng đứng trên đỉnh núi, xung quanh chỉ còn có bầu trời lồng lộng và mây bay vần vũ. Rất xứng đáng vỗ vào ngực mình để gào to: Ta đã thắng! Nhưng khi mây bay đi, người chiến thắng bỗng nhìn ra trong mờ xa xung quanh mình muôn ngàn đỉnh núi cao còn cao hơn chính nơi mình đứng, và nếu đúng như khoa học vũ trụ cho thấy “ngoài vòm trời còn có một vòm trời” thì vinh quang và văn minh đến mấy cũng chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa mênh mông.
Trên thế gian
Nơi sáng rực- Chỗ tối sầm
Bù qua bù lại cũng bằng không
Văn minh nhân loại lên đến đỉnh
Của những gì
chỉ là nhỏ bé
giữa mênh mông
(Đỉnh văn minh- quyển 4, tr. 14)

Khi hạt bụi nhỏ bé ngộ ra nơi mình đang có mặt không phải là đỉnh cao nhất bởi gần xa bất tận xung quanh mình còn rất nhiều đỉnh cao nữa cao hơn, thì cũng là lúc nó biết nhìn xuống dưới chân mình. Đó là vực sâu tối hun hút bí ẩn đầy âm khí mà chưa thể biết được đâu là tận cùng độ sâu ấy. Và tới lúc này, nó mới tự ngộ ra thêm lần nữa về ánh sáng và bóng tối, về sự sắp đặt đến diệu kỳ của tạo hóa:
Đêm và ngày ngược nhau trong bóng tối
Ngày và đêm lại chung lối giữa hoàng hôn
Lúc ngược lúc chung- suy cho đến tận cùng
Chỉ có trời
Mới làm nên thế!
(Ngày và đêm- quyển 4, tr.15)

Lê Tuấn không huyễn hoặc mình, trái lại anh rất tỉnh táo khi tiếp nhận những lời nhận xét
Thơ là người- là máu, hồn, tim ai đó
Khi người xem thơ thì thơ đã khác rồi
Người chê dở, kẻ khen hay
Người chê dở thì chê thật hay
Kẻ khen hay thì khen thật dở

Là một người có năng khiếu nghệ thuật trước khi làm kinh tế. Là một nhà kinh tế trước khi làm thơ. Nhưng khi bàn về tiền- và người lắm của, Lê Tuấn cũng thẳng thắn và thực tế đến bất ngờ:
Kinh tế khi còn nhỏ
là con Kiến bé khiêm nhường
Đến khi hùng cường- nó trở thành sư tử
Một khi nhà kinh tế đã trở thành mãnh thú
Thì phần đời còn lại
Chỉ là một câu thần chú
của lái buôn
(Câu thần chú- quyển, tr.80)

Và khi “trời đã cho anh giàu có”, nếu trời không lần nữa ban cho tuổi thọ, thì trăm ngàn sự giàu ấy cũng chẳng làm gì, đều trở thành vô nghĩa. Nhưng Lê Tuấn lại hóm hỉnh đòi thêm quyền lợi ấy cho cả mỹ nhân bằng thủ pháp ẩn dụ- tượng trưng ý nhị:
Trời đã cho em thắt đáy lưng ong- mặt hoa da phấn
Thì phải cho em thêm một lần
Rắc hương thơm vào phấn
Để trên đời – Ong còn biết đó là hoa
(Hoa phấn- quyển 5, tr. 39)

Có lúc Lê Tuấn còn băn khoăn cả với những quan niệm dân gian khi “ Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” khi lập luận:
Nếu thương con
Xin đừng lấy roi quất nó
Anh sẽ phải làm cho con mình hiểu rõ
Rằng:
Nỗi khổ đau
Không phải từ cái gậy sinh ra
Để:
Một mai đây-nếu con anh
Bị cuộc đời hành hạ- nó sẽ không gục ngã đớn hèn
Khi nó biết rằng
Ngoài anh và nó-
Trên trái đất này- còn có cả Thế gian đau…
( Không phải từ cái gậy- quyển 5, tr.68).

Từ cái sâu xa rất nhân bản ấy, Lê Tuấn đã cãi lại dân gian khi “Con có khóc mẹ mới cho con bú” vì theo nhà thơ :
Người ta nói thế kể cũng đã là hay
Nhưng xin lỗi- đó là cái hay rừng rú
Người mẹ nào như thế gọi là hay
(Mẹ nào? – quyển 5, tr.22).

Rõ ràng Lê Tuấn đã suy luận và tỏ rõ thái độ không đồng tình khi “chả lẽ con không khóc thì không cho con bú hay sao, Mẹ nào mà kỳ thế?”. Theo nhà thơ, bằng trái tim nhạy cảm của người mẹ và tình thương bao la, người mẹ đều biết rõ mọi lúc, mọi nơi con mình cần những gì.

Nhưng, nếu đòi hỏi phẩm chất ấy ở người mẹ, thì những người con cũng cần hiểu luân thường đạo lý “trước đó” :
Trước khi làm cha mẹ
Cả thế gian này ai chẳng phải làm con
Làm con mà đã không hiếu lễ
Thì đó là một điều báo trước
Sau này nó có thể dạy cho ai
(Trước đó – quyển 5, tr.1)

Rồi tác giả bỗng giật mình thương mẹ- người phụ nữ suốt đời tần tảo chẳng đòi hỏi hay “tư hữu” gì cho riêng mình:
Ta thấy mẹ ta lòng bao đau đớn
Tấm lưng còng tập tễnh khuất sau vườn
Một mảnh trăng khuya rơi trên mái đầu bạc trắng
Chồng thì không có, cháu con không
Mắt mờ răng rụng ăn gì được
Góc nhà lầm lũi đến xót xa
Cuộc đời đau khổ thân cô độc
Lẻ loi một bóng- trẻ đến già
(Ta khóc Mẹ ta- quyển 8, tr.46)

Sống tự lập - người ta trưởng thành và cứng rắn. Sống cô đơn- người ta tự thấm thía sự ra đi của những bóng hồng. Chẳng nên trách cứ làm gì nếu khi có một mai khi “cây đàn sum họp đứt từng dây”(Nguyễn Bính). Nếu tình yêu đến như một định mệnh-Lê Tuấn cứ âm thầm vui và nếu tình yêu đi như sự an bài của số phận thì Lê Tuấn lại lẳng lặng buồn một mình:
Không có nắng- em như cánh đống hoang vắng
Nắng quá nhiều- em thành sa mạc trắng
mênh mông
Giữa hoang vắng và mênh mông cát trắng
Em chọn ngả nào
Hay lẳng lặng trốn
vào mưa
(Lẳng lặng- quyển 5, tr.13)

Những tứ thơ, vần điệu thơ được khởi nguồn từ cảm xúc đến tận cùng sáng tạo và... từ tác giả-những trang ấy thơ đi vào thế giới nội tâm của người đọc bằng những tầng nấc cảm thụ khác nhau, tùy thuộc sự thích ứng riêng của mỗi người.

8 tập thơ của Lê Tuấn trong tôi giờ đã như một dòng chảy mang hơi hướng vui, buồn của cuộc đời khác- số phận khác. Sự liên tưởng về hình ảnh và cảm nhận về thanh âm… của tác giả và của người xem-đọc-nghe thơ khác nhau.Nói rộng hơn, sự chiêm nghiệm những nỗi đau về nhân tình thế thái và hơi ấm tình người và đã và đang có trong họ cũng chẳng thể giống nhau.
Dễ hiểu thôi, bởi người đọc không phải là tác giả và thường bộc lộ cảm nhận chủ quan của mình.

Dễ hiểu thôi, bởi nếu một khi số phận và giá trị của những câu thơ có thể nằm ngoài sự tưởng tượng của tác giả - cũng chính là sự thú vị đặc biệt không dễ có trong sáng tác và cảm thụ nghệ thuật.

Dễ hiểu thôi, nếu một khi người yêu thơ thấy thuộc và thú vị khi trích dẫn thơ của Lê Tuấn, ấy là bởi vì họ đã thích và thấy hay!

Sài gòn, những ngày mưa- giữa tháng 10 năm 2009
Th.s Nghệ thuật Hùng Tú




HongTran

Tổng số bài gửi : 83
Join date : 09/08/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết